Image

11/01/2024

Khi ngân hàng tình nguyện làm sân sau

 

Thời báo kinh tế Sài Gòn(TBKTSG) - TBKTSG trò chuyện với ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), xoay quanh vấn đề sở hữu chéo và cái giá phải trả do rủi ro đạo đức gây ra trong ngành tài chính ở Việt Nam.

TBKTSG: Từ năm ngoái, một số lãnh đạo các ngân hàng đã lâm vào cảnh tù tội hay bị điều tra. Ba mươi năm theo nghề ngân hàng, ông nghĩ sao về hiện tượng này?

- Ông Trương Văn Phước: Tôi cứ suy nghĩ mãi về những gì đã xảy ra đối với một số lãnh đạo ngân hàng Việt Nam chúng ta trong năm 2012 vừa qua. Lợi ích vật chất, sự hãnh tiến danh vọng, hay là gì nữa? Về mặt tâm lý học, tôi nghĩ rằng bất cứ một hành vi nào cũng đều xuất phát từ một ham muốn bên trong được phản ánh rồi cân bằng với những điều kiện bên ngoài. Cũng phải nói cho thực công tâm rằng những người làm trong hệ thống ngân hàng ở vai trò lãnh đạo thì cũng đã trải qua sự sàng lọc rất khắc nghiệt của cuộc đời rồi. Không phải ngẫu nhiên họ được nắm giữ những chức vụ đó. Nhờ đâu họ có những thành công không chỉ ở góc độ tiền bạc, mà là những chỗ đứng trong thương trường vốn dĩ vô cùng ác nghiệt. Kết luận của tôi là tài năng. Phải thừa nhận là họ có tài.

Tôi cũng đã có nhiều lần tiếp xúc, thậm chí cũng có thời gian làm việc với những người lãnh đạo như thế. Bao giờ cũng thấy ở họ những tham vọng rất lớn. Họ thành công nhanh quá, thành công lớn quá, lắm khi tạo ra ảo giác. Được nuôi dưỡng trong một môi trường, một bầu không khí rất lạc quan và phấn khởi của một quá trình chuyển đổi của nền kinh tế đã khiến họ chủ quan chăng?

TBKTSG: Thế còn quá trình tích lũy tư bản của các nhóm doanh nghiệp. Ông nhận định như thế nào về bản chất sở hữu chéo trong hệ thống tài chính Việt Nam?

- Sở hữu chéo trong hệ thống tài chính Việt Nam là một cấu phần trong sở hữu chéo của cả nền kinh tế Việt Nam. Thực ra nhiều nước trên thế giới vẫn cho phép sở hữu chéo, tất nhiên những thông tin liên quan phải công khai, minh bạch. Với một nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa qua nền kinh tế thị trường, chúng ta phải cần rất nhiều điều kiện.

Một trong những điều kiện tiên quyết là vốn, là tư bản. Làm sao có vốn đủ đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế khi mà các dòng vốn từ ngoài vào còn thăm dò, dè dặt và thận trọng? Sở hữu chéo là một cách “phát huy nội lực” trong điều kiện đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hơn một phần tư thế kỷ qua. Sở hữu chéo có ưu điểm, cũng có nhược điểm. Nhưng tôi nghĩ tác hại của nó là không nhiều khi đem so sánh nó với những lợi ích mà nó mang lại dù chúng ta đang nhận ra sở hữu chéo tạo điều kiện thuận lợi cho các lợi ích nhóm phát huy trong một khuôn khổ pháp lý còn thiếu kín kẽ để “rào giậu” hết những tiêu cực nhiều mặt nảy sinh.

Như một quy luật phổ biến “lượng đổi, chất đổi”, sở hữu chéo đã bộc lộ từ lâu nhưng với liều lượng bé nhỏ, dần dần mới nảy nở, lớn lên. Tôi không nghĩ rằng các cơ quan quản lý không nhận biết, nhưng do trước đây quy mô các hiện tượng còn nhỏ, chưa phổ biến đến mức phải can thiệp vì nhiều khi sự tiên liệu quá mức dễ dẫn đến hậu quả “lợi bất cập hại”.

Ông Trương Văn Phước

TBKTSG: Nhưng vấn đề nằm ở chỗ đây là quá trình tạo vốn ảo. Ngân hàng A dùng tiền gửi của khách hàng mua cổ phiếu tăng vốn của ngân hàng B thì đã sai luật rồi, thế giới có ai cho làm thế? 

- Nếu nói bây giờ những tiêu cực của sở hữu chéo mới lộ rõ thì cũng đồng nghĩa với việc nói từ trước đã bộc lộ rồi nhưng mà chưa rõ. Như một quy luật phổ biến “lượng đổi, chất đổi”, nó đã bộc lộ từ lâu nhưng với liều lượng bé nhỏ, dần dần mới nảy nở, lớn lên.

Theo cảm nhận và quan sát của riêng tôi thì hiện tượng sở hữu chéo cũng chỉ mạnh lên trong vòng 10 năm qua, đặc biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ với các dòng vốn nóng chảy vào nước ta và cuộc trở về khá rầm rộ của các dòng vốn Việt kiều Đông Âu.

Tôi không nghĩ rằng các cơ quan quản lý không nhận biết, nhưng như đã nói, do trước đây quy mô các hiện tượng còn nhỏ, chưa phổ biến đến mức phải can thiệp sớm, hành động sớm vì nhiều khi sự tiên liệu quá mức dễ dẫn đến hậu quả “lợi bất cập hại”. Ngân hàng trở thành sân sau của doanh nghiệp có lẽ nằm trong bức tranh, hoàn cảnh chung đó.

TBKTSG: Vì sao các tổ chức tài chính quốc tế là cổ đông lớn trong một số ngân hàng đang gặp các vấn đề tiêu cực liên quan đến sở hữu chéo lại im lặng? Phải chăng ở những nơi đó gian lận đã được che đậy quá tốt hay là có sự thỏa hiệp?

- Nhập gia tùy tục. Câu tục ngữ phổ biến của người Việt có thể vận vào hoàn cảnh này chăng? Một thị trường mới mở cửa và thông tin đa phần là bất đối xứng tạo ra cơ hội để các nhà quản trị, điều hành trong nước đưa ra lập luận: “Các ông hãy cho chúng tôi yên để làm việc, ở Việt Nam nó phải thế!”. Và thực tế nó đã là như thế!

Các cổ đông là những tổ chức tài chính nước ngoài trong thời gian ban đầu tham gia vào các tổ chức tín dụng Việt Nam phải tin thôi. Và có lẽ họ tự biện bạch rằng mình sao hiểu thị trường này bằng những người bản địa được! Vô tình hay hữu ý, họ tự ru ngủ mình bằng những liều thuốc an thần như thế. Nhưng có lẽ theo quy luật cái gì phải đến, sẽ đến. Càng về sau họ đã ngỡ ngàng, thất vọng. Và bản năng tự vệ xuất hiện. Họ thoái vốn, bán đi cổ phiếu, tức là bán đi cái kỳ vọng mà ở thuở ban đầu họ từng vun đắp.

Tôi không ngạc nhiên về những cuộc “ly dị tài chính” như thế. Nếu nói rằng những sự “bội bạc” được diễn kịch khéo đến mức “đối tác” không nhìn thấy được thì khó thuyết phục lắm. Nhưng như đã nói, cuối cùng rồi những chuẩn mực căn bản trong quản trị một ngân hàng theo thời gian đã giúp cho những cổ đông, đặc biệt những cổ đông là các định chế tài chính quốc tế chuyên nghiệp hiểu rõ ngày càng tường tận hơn cái cách mà những chuẩn mực đó hiện thực hóa ra trong điều kiện đặc thù của thị trường Việt Nam. Nguyên nhân suy cho cùng là sự thẩm thấu về mặt thời gian của quá trình nhận thức.

TBKTSG: Nhiều người cho rằng một cá nhân không thể làm được, phải có sự thỏa hiệp bên trong lẫn các tác nhân bên ngoài. Ông nghĩ sao?

- Tôi thì không nghĩ thế. Chủ thể quản lý và các đối tượng chịu sự quản lý đó đôi khi cũng có những sự nhân nhượng nhất định, ở những vụ việc mang tính thủ tục, chứ nói thỏa hiệp để gây nên những chuyện động trời thì chắc là không có. Ở đây tôi nghiêng về tính nghiêm khắc và chuyên nghiệp của hệ thống pháp luật nhiều hơn. Chức năng tiên liệu của pháp luật có vẻ như còn hạn chế lắm mà pháp luật thông thường phải có một độ ổn định. Pháp luật ổn định có ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm nếu như không tiên liệu được hết những sự kiện pháp lý trong tương lai thì anh ứng xử như thế nào với những cái có thể gọi là “gian lận hợp pháp”. Đất nước ta có lẽ cũng đã trải qua rất nhiều năm tháng tạo ra sự tương thích càng gần gũi giữa đời sống thực tiễn và một hệ thống pháp luật điều chỉnh có tính dự báo, tiên liệu cao. Nhưng đó vẫn còn là câu chuyện đang tiếp diễn.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/
Thục Đoan thực hiện

Image
icon
iconicon