11/01/2024
CPI tháng 8 sẽ chỉ tăng khoảng 0,2%?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 sẽ chỉ tăng khoảng 0,2% so với tháng trước, chiều 18/8, một lãnh đạo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đưa ra dự báo trên với báo giới.
Cơ sở cho con số được vị này đưa ra là tình hình thị trường một số hàng hóa thiết yếu, vừa được cơ quan này cập nhật trong báo cáo 15 ngày đầu tháng 8, tức là tương đương thời điểm Tổng cục Thống kê chốt số liệu tính CPI cho tháng này.
Trước đó, trong một phân tích về kinh tế vĩ mô Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, mặc dù giá lương thực tăng do thiên tai ở nhiều nước, và giá xăng dầu vừa được điều chỉnh tăng từ ngày 9/8, song dự kiến trong hai tháng cuối quý 2, giá cả chưa có đột biến xấu và lạm phát của tháng 8 và tháng 9 sẽ tăng vào khoảng 0,3%/tháng.
Như vậy, các dự báo mới nhất gần như tương đồng khi cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng sẽ khó duy trì mức tăng thấp như tháng 7, chỉ 0,06% so với tháng trước, tuy nhiên vẫn sẽ tiếp tục ổn định ở mức 0,2-0,3% dù đã xuất hiện những nguyên nhân tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.
Xem xét những nguyên nhân chính tác động đến CPI tháng 8, nổi lên là chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến tại thời điểm 1/7/2010 đã tăng khá cao, ở mức 38,6% so với cùng thời điểm của năm trước, trong khi chỉ số tiêu thụ tương ứng chỉ tăng 12%.
Tương quan này cho thấy, tiêu thụ một số loại hàng hóa đang gặp khó khăn và cung cầu chỉ có thể cân bằng ở mức giá thấp hơn, theo lý thuyết.
Trong khi đó, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, kể từ đầu tháng 7, khan hiếm ngoại tệ bắt đầu xuất hiện, cộng hưởng với tình trạng gom USD của doanh nghiệp để trả cho các khoản vay đến hạn khiến giá đồng bạc xanh trên thị trường tự do bắt đầu thoát ly giá tại thị trường chính thức.
Theo Cục Quản lý giá, chỉ tính riêng trong 15 ngày đầu tháng 8, tỷ giá VND/USD đã tăng cao hơn từ 40-60 đồng/USD. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến giá một số hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu, thuộc nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc chữa bệnh...
Cũng liên quan đến việc VND mất giá so với USD, cộng thêm giá thế giới tăng lên, ngày 9/8, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng từ 190-410 đồng/lít tùy loại. Do thời điểm tăng giá xăng dầu khá gần ngày chốt số liệu CPI, khả năng tác động từ đợt tăng giá này đến chỉ số tháng 8 không lớn.
Giá phôi thép tháng 8 trên thị trường thế giới cũng ghi nhận đợt tăng khá mạnh, từ 50-90 USD/tấn so với tháng 7, đẩy giá thép thành phẩm trong nước tăng bình quân 300-500 đồng/kg so tháng 7/2010. Nhưng ngược lại, giá khí hóa lỏng LPG đã giảm khoảng 9-9,25 nghìn đồng/bình do giá trên thị trường thế giới tiếp tục đà xuy giảm trong nhiều tháng nay…
Với các mặt hàng trong nước sản xuất, đáng chú ý là diến biến giá cả lúa gạo tại các tỉnh miền Nam. Xuất khẩu gạo tháng 7 đã lập kỷ lục trên 853 nghìn tấn, theo Tổng cục Hải quan, với mức giá tăng từ 10-20USD/tấn (gạo loại 5% tấm), đẩy giá gạo tại miền Nam tăng thêm từ 400-700 đồng/kg chỉ trong 15 ngày đầu tháng 8.
Chiếm tới gần 40% quyền số trong rổ hàng hóa tính CPI, lương thực chắc chắn là nhóm hàng hóa có tác động lớn đến chỉ số giá tháng này.
Ở nhóm hàng thực phẩm, giá thịt lợn đã giảm từ 2-5 nghìn đồng/kg tại miền Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong khi tại miền Bắc vẫn ổn định. Các loại thực phẩm thay thế như thịt bò, thịt gà duy trì giá ổn định.
Nằm trong số hàng hóa biến động mạnh về giá, xi măng đã giảm 35 nghìn đồng/tấn tại các tỉnh phía Bắc, và giảm tới 140 nghìn đồng/tấn tại miền Nam, do nguồn cung dồi dào và tiêu thụ khó khăn…
Trong ngắn hạn, Cục Quản lý giá dự báo, giá lúa gạo sẽ còn tăng do nhu cầu thị trường thế giới tăng; giá thép tăng do tác động từ gia phôi trên thị trương thế giới; khí hóa lỏng có thể không giảm mà quay đầu tăng nhẹ do nhu cầu tích trữ trước mùa đông ở châu Âu; giá một số loại thực phẩm thay thế thịt lợn có thể tăng nhẹ; trong khi giá xăng dầu thế giới có thể giảm...
Theo Vneconomy