11/01/2024
CPI, PPI và áp lực tăng giá
Trong khi giá trị sản xuất công nghiệp quý 1/2010 tăng tới 13,6% so với cùng kỳ, giá trị tăng thêm (value added) của ngành này chỉ tăng 5,65%. Điều này cho thấy hiệu quả của sản xuất công nghiệp đang ở mức thấp. Tại cuộc họp giao ban sản xuất cuối tuần rồi, khi nhìn nhận về hai con số này và mức chênh lệch khá cao, tới gần 8 điểm %, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói đại ý rằng chi phí đang “lấn át” giá trị tăng thêm mà ngành công nghiệp mang lại.
Cùng chia sẻ quan điểm với lãnh đạo của mình, Vụ trưởng Bùi Bá Cường lưu ý, người bán hàng đang bị “thủng túi” do chi phí đầu vào tăng cao hơn giá bán. Ông Cường đưa nhận định trên dựa vào so sánh chỉ số giá bán sản phẩm người sản xuất (PPI) với chỉ số giá tiêu dùng (CPI). “Hiệu quả sản xuất thấp do chi phí tăng cao, điều này cũng có lý do của nó”. Vụ trưởng Cường giải thích, nếu như CPI bình quân quý 1/2010 tăng 8,51% so với quý 1/2009, thì PPI nông nghiệp so với cùng kỳ tăng 11,6%, PPI công nghiệp nói chung tăng 9,4%, trong khi PPI dầu thô khai thác tăng tới 45,6%. Điều đó có nghĩa là giá đầu vào (PPI) đã tăng nhanh hơn giá bán ra (CPI), cho nên, người sản xuất đang chịu gánh mức chi phí tăng cao hơn tốc độ tăng giá bán ra, ông Cường chốt lại.
Từ ngày 1/3, nhiều nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất đã tăng giá bán, như giá than (bán cho điện) tăng đến 47% tùy loại, giá điện tăng 6,8%, giá nước (Tp.HCM) tăng khoảng 50%. Ngoài ra, giá gas, xi măng, sắt thép… cũng đã tăng trong thời gian gần đây. Trong khi đó, chỉ có mặt hàng dầu là giảm giá bán vào ngày 3/3, được cho là có thể giúp giảm giá tiêu dùng khoảng 0,053%, theo như tính toán của Bộ Tài chính.
Về nguyên nhân tiền tệ, lãi suất cho vay đã được áp dụng cơ chế thỏa thuận. Tuy chưa có thống kê cụ thể về mặt bằng bình quân của lãi suất cho vay, nhiều thông tin cho biết đã có những khế ước vay với lãi suất lên đến 20%/năm. Ở một góc độ khác, nếu so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra trong năm 2010 là tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng khống chế mức ở 25%, thì trong hai tháng đầu năm, chỉ riêng tổng phương tiện thanh toán giữ được trong mức này.
Tăng trưởng tín dụng tháng 1/2010 đạt 38%, tháng 2 vẫn tăng tương ứng xấp xỉ 37% so với cùng kỳ. Trong khi đó, mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2009 là 37,73%, ông Cường lưu ý tiếp. Còn theo thông tin công bố của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng trong tháng 2 đã bắt đầu tăng trở lại, đạt 1,14%, trong khi tháng 1 chỉ tăng 0,26%.
Tính chung lại, tăng trưởng tín dụng ước tăng 1,4% so với tháng 12/2009. Người bán sẽ khó "chịu đựng" lâu độ vênh giữa CPI và PPI như thế. Những tháng sau, lực đẩy đối với CPI có thể sẽ lớn hơn, để sát với giá đầu vào PPI, ông Cường nhận định.
Theo Vneconomy