Image

11/01/2024

Cách Eximbank vượt biến động để hoàn thành kế hoạch năm 2020

Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam thay đổi cơ cấu vận hành nhằm đảm bảo sự ổn định khi dịch Covid diễn biến phức tạp năm 2020.

Theo đó, nhà băng này giảm lãi suất huy động đầu vào, đồng thời hạn chế phân khúc khách hàng yêu cầu lãi suất huy động cao, mà Ngân hàng đã từng phải thu hút trong những giai đoạn huy động khó khăn trước đây, thay bằng phân khúc khách hàng Mass (phổ thông) có lãi suất thấp hơn. Hướng đổi mới này nhằm đảm bảo sự ổn định, củng cố nền tảng quy mô khách hàng và tiết giảm chi phí huy động vốn. Với tình trang dự vốn trong hệ thống Ngân hàng, Eximbank cũng chủ động giảm bớt huy động trên thị trường 2 để hiệu quả hơn. Tác động ngắn hạn của hai định hướng tái cấu trúc này là quy mô huy động của Ngân hàng giảm 3.8% trong năm 2020.

Ngay từ đầu năm, nhận định thị trường khó khăn, Khách hàng kinh doanh sẽ gặp nhiều ảnh hưởng nên Ngân hàng đã kiểm soát chặt mảng cho vay liên quan đến BDS. Thêm vào đó, giảm sút nhu cầu tư nhiên (do mức độ chấp nhận rủi ro để mở rộng kinh doanh của Khách hàng giảm đi, tối ưu hóa dòng tiền bởi chính từng Khách hàng, nhu cầu thấp đi trong bối cảnh dịch bệnh) đã tác động đến nhóm 15-20 Khách hàng có nhu cầu phát sinh lớn. Tổng tác động của hai mảng đã làm dư nợ có yếu tố trading (yếu tố thời vụ, tận dụng cơ hội thị trường, rủi ro cao – lợi nhuận cao) giảm 10.2%. Tuy nhiên Ban điều hành Ngân hàng cũng nhân định, ngay khi thị trường thuận lợi trở lại nhóm Khách hàng, nhóm nhu cầu này sẽ tăng trưởng trở lại mạnh mẽ nhất

Dù quy mô tín dụng, huy động sụt giảm nhưng chính các hành động tái cơ cấu danh mục này đã làm margin tài sản có sinh lời cải thiện thêm 15 điểm cơ bản. Công tác phê duyệt tín dụng tiếp tục thực hiện chặt chẽ, không nới lỏng định lượng cho vay. Bên cạnh đó, ngân hàng còn nhanh chóng nắm bắt tình hình và đưa ra kế hoạch kinh doanh mới phù hợp, cắt giảm những chi phí hoạt động so với năm ngoái, từ đó ghi nhận những con số tích cực, vượt kỳ vọng của ban lãnh đạo.

Theo ông Nguyễn Cảnh Vinh – Quyền Tổng Giám đốc Eximbank, năm vừa qua, dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực lên kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, tuy nhiên, Eximbank đã có những kế hoạch dự phòng, nỗ lực thực hiện chuyển đổi để ngân hàng có thể thích ứng trong bối cảnh mới, đặc biệt việc kiểm soát tốt rủi ro hiện hữu với những cải thiện liên tục trong hoạt động và tăng trưởng dài hạn ổn định. Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các sáng kiến chiến lược, định hướng lại hoạt động theo các thế mạnh sẵn có để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn, tái cấu trúc lại hiệu quả, phục hồi tăng trưởng hậu dịch bệnh.

Ông Nguyễn Cảnh Vinh – Quyền Tổng Giám đốc Eximbank chia sẻ về kết quả tổng quan của nhà băng năm 2020
và định hướng kinh doanh  năm 2020 trong Hội nghị tổng kết ngày 30/01/2021 vừa qua.

Nhờ những cải tiến trong vận hành nên dù gặp phải không ít khó khăn do dịch bệnh, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 22%, hoàn thành 100% kế hoạch của năm. Các mảng kinh doanh then chốt ngân hàng như mảng thẻ, Bancasurance cũng đạt tốc độ tăng trưởng vượt trội. Theo đó, mảng thu phí thẻ đạt 127 tỷ đồng, tăng trưởng 144% so với năm 2019. Thu nhập phí bảo hiểm đạt 112 tỷ, tăng trưởng 23%, góp phần đưa mức tăng trưởng thu nhập dịch vụ năm 2020 lên 20%, tăng cao nhất trong 4 năm gần đây.

Nhờ những nỗ lực đó, mặc dù ngành tài chính vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s Global Ratings công bố mức tín nhiệm đối tác dài hạn của Eximbank được giữ nguyên B+ với triển vọng “ổn định” trong năm 2020, không thay đổi so với mức xếp hạng đã công bố vào tháng 9/2019.

Eximbank cũng chủ động triển khai những dự án lớn để thúc đẩy đà tăng trưởng toàn diện như kế hoạch tái cấu trúc đơn vị kinh doanh; hướng đến giải quyết các tồn đọng lớn mà hệ thống vận hành đang gặp phải như: mô hình cơ cấu tổ chức cồng kềnh và nặng nề, năng suất hoạt động và năng suất vận hành thấp so với thị trường; chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng chưa tối ưu, kết quả kinh doanh thiếu sự bứt phá...

Trong đó, dự án triển khai với ba trụ cột lớn gồm tái cấu trúc mô hình cơ cấu tổ chức; đào tạo, nâng cao năng lực; và hiệu chỉnh quy trình, quy định. Sau triển khai bước đầu, nhà băng ghi nhận những chuyển đổi lớn về năng lực chuyên môn nhân sự cũng như tinh gọn bộ máy vận hành và cán bộ quản lý cấp trung. Chất lượng phục vụ và trải nghiệm của khách hàng cũng cho thấy dấu hiệu cải thiện tích cực.

Dự án mô hình dịch vụ chuyên biệt khách hàng ưu tiên được đánh giá là bước ngoặt quan trọng của Eximbank trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh cho phân khúc khách hàng thượng lưu và trung lưu. Đại diện ngân hàng cho biết việc mang đến những trải nghiệm riêng biệt cho đối tượng khách hàng cao cấp này cũng sẽ là trọng tâm và kim chỉ nam mà Eximbank hướng đến trong thời gian tới.

Bên cạnh định hướng mới và những tăng trưởng ghi nhận, Eximbank còn ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng năng suất vận hành. Nhà băng đã hoàn tất triển khai các dự án vận hành tập trung như tiếp quỹ tập trung, quản lý tài sản bảo đảm tập trung tại Hà Nội và TP HCM, tập trung vận hành thẻ.

Về mảng công nghệ thông tin, Eximbank đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ cho việc kinh doanh và vận hành như nâng cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến giúp đem lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn; tăng cường bào mật thông tin với hệ thống xác thực Smart-OTP; tối ưu hóa thao tác xử lý giao dịch quầy hay triển khai hệ thống tiếp xúc khách hàng qua tổng đài thoại và mạng xã hội... Từ những nỗ lực  trên, tháng 10/2020, Eximbank đã nhận giải thưởng "Chuyển đổi số Việt Nam -VietNam Digital Awards" do Hội Truyền thông số Việt Nam trao tặng nhờ dự án Teller App. Đây là năm thứ hai liên tiếp ngân hàng nhận giải thưởng này. Nhà băng cũng liên tục nhận giải thưởng STP Awards về chất lượng thanh toán quốc tế từ các tổ chức tài chính nước ngoài uy tín. Năm nay, đơn vị đạt tỷ lệ điện thanh toán quốc tế xuyên suốt năm 2020 là 99,51%, vinh dự nhận giải thưởng STP từ ngân hàng JP Morgan.

Ngoài ra, một trong những dấu ấn nổi bật trong năm qua mà nhà băng đạt được là nhận thông báo cấp hạn mức tài trợ thương mại và hạn mức tín dụng tuần hoàn với tổng giá trị lên tới 31 triệu USD (tương đương 725 tỷ đồng) từ ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Đồng thời, Các chỉ số an toàn hoạt động, thanh khoản của ngân hàng vẫn được duy trì vững chắc ở mức tốt, đảm bảo tấm đệm phòng thủ cho Eximbank trước mọi tình huống bất ngờ của nền kinh tế: tỷ lệ LDR duy trì ở mức 78% - 81%, chỉ số an toàn CAR theo thông tư 41 duy trì ở mức 10,5 – 12,5% so với yêu cầu 8%.

 "Eximbank đã và đang nỗ lực vượt khó song song với việc không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực vận hành để tối ưu hoá nhu cầu của khách hàng, đồng thời trên các kênh", vị đại diện ngân hàng khẳng định.


Image
icon
iconicon