Image

25/09/2023

Vàng hướng tới thử thách mức cản 975, chờ báo cáo việc làm cuối tuần

Vàng hướng tới thử thách mức cản 975, chờ báo cáo việc làm cuối tuần

 

 

 

Hồ Quốc Tuấn – Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại Học Manchester, Anh

 

USD giảm, dầu tăng đẩy giá vàng tăng

Đồng USD đã giảm mạnh so với nhiều đồng tiền mạnh khác, bao gồm EUR, GBP và CHF, đẩy chỉ số USD-Index xuống dưới mức 78,50. Đồ thị kỹ thuật cho thấy nhiều khả năng đồng USD sẽ còn có thể tiếp tục sụt giảm xuống so với các đồng tiền mạnh khác, đẩy chỉ số USD-Index xuống gần mức 74. Đây là tín hiệu rất thuận lợi cho vàng. Mặt khác, giá dầu tăng lên trên 70 USD/thùng tiếp tục khiến lực mua đầu cơ vàng để đón nhu cầu mua vàng phòng ngừa rủi ro lạm phát tiếp tục tăng, và do đó hỗ trợ vàng vượt qua mức cản 960 USD/ounce. Trừ trường hợp chỉ số USD-Index phục hồi trở lại trên mức 79,50 – nghĩa là xu thế diễn biến hiện tại là một bẫy giảm giá, còn lại thì khả năng USD-Index giảm về 74 là khá cao, nghĩa là vàng còn nhiều cơ hội tăng lên.

Các số liệu kinh tế Mỹ đầu tuần: thêm tín hiệu hồi phục, nhưng thu nhập cá nhân trong nền kinh tế giảm

 

Chỉ số sản xuất ISM tháng 7 được công bố đầu tuần của Mỹ tăng ấn tượng từ mức 44,8 lên 48,9 vượt qua dự đoán của nhiều nhà phân tích, cho thấy xu thế hồi phục của kinh tế Mỹ đang dần hình thành. Điều này góp phần tạo ra nhu cầu lớn với các tài sản có rủi ro cao hơn của Mỹ, tiếp tục đẩy đồng USD và cả giá trái phiếu Mỹ giảm. 

 

Tuy nhiên số liệu trong ngày 4/8 cho thấy thu nhập cá nhân trong tháng 6 của người Mỹ giảm 1,4% và điều này có thể tác động xấu đến chi tiêu của người Mỹ trong các tháng kế tiếp. Điều này phản ánh ảnh hưởng của tình hình thất nghiệp gia tăng và việc một số gói kích thích kinh tế đã kết thúc. Tuy chi tiêu trong tháng 6 vẫn tiếp tục tăng 0,4% - cao hơn một số dự đoán, và chỉ số chi tiêu tiêu dùng vẫn tăng lên nhưng việc thu nhập tiếp tục sụt giảm trong tháng 6 có thể sẽ gây lo ngại rằng tình hình hồi phục hiện tại sẽ gặp trở ngại trong các tháng tiếp theo. Nhiều nhà kinh tế học đang lo ngại xu thế hồi phục trong mấy tháng tới của nền kinh tế Mỹ liệu có thể tiếp tục duy trì trong bối cảnh thu nhập của người dân tiếp tục sụt giảm và thất nghiệp gia tăng. Điều này phản ánh vào diễn biến giá đồng USD trong ngày 4/8 và đồng tiền này đã tăng lại một chút, tuy nhiên, xu thế lạc quan vào nền kinh tế và xu thế giảm giá của đồng USD vẫn đang là chủ đạo.

 

Ngoài ra, việc thỏa thuận bán vàng của các ngân hàng trung ương cho thấy trong năm nay các ngân hàng này sẽ bán vàng với mức thấp nhất kể từ năm 1994, phản ánh việc các nước này muốn giữ lại nhiều dự trữ bằng vàng hơn trong bối cảnh đồng USD sụt giá mạnh. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng tin tức này không phải là nguyên nhân chính dẫn đến biến động của giá vàng thế giới đầu tuần.  

 

Nhà đầu tư sẽ chú ý tới báo cáo về tình hình việc làm cuối tuần này để đánh giá lại khả năng hồi phục thật sự của nền kinh tế Mỹ. Do đó, báo cáo việc làm này sẽ đặc biệt đáng chú ý.

 

Báo cáo việc làm cuối tuần

 

Theo dự đoán, số liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ giảm khoảng 300.000 nghĩa là giảm thấp hơn mức giảm 467.000 của tháng trước, và đây sẽ là tín hiệu tốt. Tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán sẽ ở vào khoảng 9,5-9,8%. Do đó, nếu các số liệu công bố duy trì trong khu vực này, hoặc tốt hơn, thì thị trường sẽ lạc quan hơn và tiếp tục hỗ trợ xu thế giảm của đồng USD và xu thế tăng của vàng. Ngược lại, nếu số liệu việc làm công bố không được lạc quan, xu thế tăng của vàng có thể bị hạn chế, nhưng không nhất định bị ảnh hưởng quá xấu. Nhìn chung, nếu chỉ số USD-Index vẫn duy trì ở mức thấp hơn 78,50 và giá dầu vẫn duy trì trên 67 USD/thùng thì khả năng vàng quay lại chinh phục mức cản 1.000 USD/ounce vẫn khá lớn.

 

Xu hướng kỹ thuật của vàng: hướng tới mức cản 975 và 1.000

 

Hiện tại vàng đang trong xu thế tăng giá, và mức cản gần nhất là 975 USD/ounce. Qua khỏi mức cản này, vàng có thể tăng về mức 1.000 USD/ounce. Nếu vàng giảm xuống trở lại dưới 950 USD/ounce, thì có thể sẽ tiếp tục giảm xuống 925 USD/ounce.

 

Image
icon
iconicon