Image

25/09/2023

Sau làn sóng tin tốt, thị trường chờ yếu tố kỹ thuật

 

Hồ Quốc Tuấn – Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh

 

Các nhân tố cơ bản: USD thất thế, vàng tăng giá

 

Trong tuần qua, nhiều nhân tố căn bản đã ủng hộ cho đồng USD … trượt giá tiếp. Thứ nhất là TTCK Mỹ đã tiếp tục tăng điểm nhanh và chỉ số DJIA đã đạt trên 9.000 điểm do nhiều công ty có lợi nhuận tốt hơn dự kiến thúc đẩy các nhà đầu tư tiếp tục gia tăng đầu tư vào cổ phiếu. Thứ hai, thị trường nhà phát ra tín hiệu tăng trưởng trở lại qua doanh số bán nhà đã qua sử dụng, khiến cho nhà đầu tư càng lạc quan đối với việc đổ tiền vào các tài sản có rủi ro như cổ phiếu và nhà. Vài tháng trước đây, có một giai đoạn đồng USD tăng giá mạnh so với nhiều đồng tiền khác là do nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản này để lấy tiền mặt dưới dạng USD, nay khi dòng tiền quay lại các tài sản này thì đồng USD đã trượt giá trở lại. Một nguyên nhân quan trọng khiến giao dịch nhà ở tăng trở lại là do lãi suất cho vay trong nền kinh tế Mỹ hiện đang ở mức rất thấp.

 

Bên cạnh các nhân tố đẩy USD giảm giá, việc giá dầu duy trì trên 65 USD/thùng cũng hỗ trợ cho việc vàng tăng qua khỏi mức 950 USD/ounce.

 

Những tin xấu vẫn còn, nhưng thị trường không quan tâm

 

Một điều mà dường như chưa được các nhà đầu tư quan tâm là con số thất nghiệp của Mỹ vẫn cao. Theo một khảo sát của Bloomberg với các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ có thể trên 10% vào đầu năm 2010. Chủ tịch Fed Ben Bernanke cũng tỏ ra lo ngại về tình hình thất nghiệp. Theo ông, với tình hình không ổn định về việc làm, tín dụng không được cởi mở và giá nhà vẫn còn chưa dừng đà giảm, thì chi tiêu tiêu dùng khó tăng nhanh. Tuy vậy, thị trường cổ phiếu hiện đang không mấy quan tâm đến các điều này. Họ vẫn đang tận hưởng các tin tốt. Điều gì sẽ xảy ra khi tin tốt qua đi và người ta bắt đầu quay lại nhìn vào tin xấu? Sẽ khó phán đoán được điều này nhưng đó là tín hiệu cảnh giác cần thận trọng vào lúc này.

 

 Giá dầu gia tăng thực chất là do đầu cơ vào việc nhu cầu về dầu sẽ tăng cao khi kinh tế hồi phục. Xem ra xét ở khía cạnh kinh tế Mỹ, vẫn sẽ cần một khoảng thời gian nữa để nói rằng kinh tế Mỹ đã qua khỏi thời điểm xấu nhất. Đương nhiên, dù thị trường nhà và cổ phiếu giảm lại thì cũng không có gì chắc chắn rằng các quỹ đầu tư lại một lần nữa tháo chạy về USD, mà họ có thể cố gắng cầm cự để chờ tín hiệu hồi phục, vì họ tin rằng họ đang ở đáy của khủng hoảng. Mặc dù vậy, có thể điều đó sẽ hạn chế đà sụt giảm của đồng USD một chút.

 

Các mức cản kỹ thuật quan trọng vẫn đang đứng vững và thị trường vẫn đang chờ đợi

 

Theo đồ thị ngày của vàng, thì mức cản 965 vẫn đứng vững sau khi mức 950 đã bị phá vỡ. Thị trường đang có dấu hiệu tạm yếu đi và chỉ số Stochastic Oscillator cho thấy sức tăng vừa qua của vàng đã khá mạnh và có thể cần một chút điều chỉnh. Chỉ số MACD vẫn đang đi lên cho thấy xu thế tăng vẫn còn khá mạnh. Từ hai tín hiệu này cho thấy hiện nay đà tăng của vàng không gặp nhiều thuận lợi và thị trường đang lưỡng lự trong việc bứt phá ra khỏi mốc 965. Một động lực để vàng bứt phá là đồng USD phải mất giá hơn nữa với các đồng tiền chính như EUR và JPY.

 

Hiện tại chỉ số USD-Index vẫn chưa giảm xuống dưới mức 78.50 mặc dù liên tục thử thách mức cản này. Nếu chỉ số này giảm xuống dưới mức 78.50 thì nó có thể tiến về mức 73. Với tình hình đó thì giá vàng có thể bứt phá mốc 965 để tiếp cận mức 1.000 USD/ounce. Vì vậy, nhà đầu tư có thể nên kiên nhẫn chờ đợi các diễn biến xung quanh những mức cản kỹ thuật rồi hãy hành động.

Image
icon
iconicon