25/09/2023
Phố Wall nhảy vọt nhờ nhà đầu tư đặt cược vào đợt phục hồi và GM, AmEx giảm cuối phiên
Chứng khoán Mỹ tăng vào Thứ Hai, đẩy chỉ số S&P 500 lên mức chốt phiên cao nhất trong bảy tháng do các số liệu kinh tế khả quan củng cố hy vọng nhu cầu sẽ ổn định, còn việc General Motors nộp đơn xin phá sản như dự kiến lâu nay đã chấm dứt hoài nghi về số phận của hãng xe hơi.
Số liệu cho thấy khối sản xuất công nghiệp Mỹ trong Tháng Năm giảm chậm hơn dự báo đã thúc đẩy hy vọng cuộc suy thoái khởi phát Tháng 12 năm 2007 ở Mỹ đang chậm lại.
Giới đầu tư cũng phấn khích bởi các dấu hiệu sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc dần ổn định, với nhu cầu về hàng hóa và tài nguyên tại các thị trường mới nổi dự kiến sẽ dẫn dắt sự hồi sinh tăng trưởng trên toàn cầu.
"Những mầm xanh đang có tiềm năng phát triển," chủ tịch Alan Lancz của Alan B. Lancz & Associates Inc, hãng tư vấn đầu tư có trụ sở ở Toledo, Ohio, nói khi hàm ý về dấu hiệu kinh tế đang dần ổn định. "Tăng trưởng của Trung Quốc là thông tin tốt nhất cho đến nay. Nhà đầu tư đang đặt cược vào sự kích thích tăng trưởng của các thị trường mới nổi."
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 221,11 điểm tương đương 2,60% lên 8.721,44 điểm. Chỉ số Standard & Poor's 500 giành 23,73 điểm tức 2,58% lên 942,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite nhảy 54,35 điểm tương đương 3,06% lên 1.828,68 điểm.
Sau khi đóng cửa, American Express Co thuộc chỉ số Dow đã công bố một kế hoạch phát hành cổ phiếu thường để huy động 500 triệu Đô la Mỹ, khiến cổ phiếu rớt 1,2% xuống 25,67 Đô la trong phiên giao dịch bổ sung. Cổ phiếu American Express đóng cửa phiên giao dịch chính thức ngày Thứ Hai tăng 4,6% lên 25,99 Đô la.
Cổ phiếu JPMorgan Chase & Co cũng giảm cuối phiên sau khi ngân hàng nói có kế hoạch phát hành cổ phiếu phổ thông để huy động năm tỷ Đô la giúp hoàn lại trong tháng này khoản vay 25 tỷ Đô la từ chương trình trợ giúp khối ngân hàng của chính phủ.
Cổ phiếu JPMorgan rớt 0,9% xuống 35,79 Đô la trong phiên giao dịch bổ sung. Cổ phiếu đã giảm 2,1% xuống 36,11 Đô la khi kết thúc phiên giao dịch chính thức tại NYSE.
BOEING BAY KHI CẢ THỊ TRƯỜNG CẤT CÁNH
Đợt tăng trên diện rộng giúp thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục hồi phục từ mức đóng cửa thấp nhất trong 12 năm vào ngày 9 Tháng Ba, với chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 40% kể từ hôm đó.
Chỉ số S&P 500 tăng vào Thứ Hai đánh dấu mức đóng cửa cao nhất kể từ Tháng 11 năm ngoái, và chỉ số Dow leo lên mốc đóng cửa cao nhất kể từ Tháng Giêng. Chỉ số Nasdaq đã đóng cửa cao nhất kể từ Tháng 10 năm 2008.
Chỉ số S&P 500 đánh dấu thêm một mốc quan trọng khi đóng cửa lần đầu tiên kể từ Tháng 12 2007 ở mức cao hơn biên độ biến động trung bình trong 200 ngày, một thành tích mà một số nhà phân tích đánh giá có thể là tín hiệu cho những đợt tăng sắp tới.
Trong phiên tăng điểm ngày Thứ Hai, các mã nổi trội bao gồm cổ phiếu của những hãng sản xuất lớn như Boeing Co, với mức tiến 6,4% lên 47,70 Đô la, còn United Technologies Corp giành 5,1% lên 55,27 Đô la.
Cổ phiếu của các công ty năng lượng cũng nhảy vọt, với Chevron Corp tiến gần 4% lên 69,21 Đô la khi giá dầu giao tháng tới tại Mỹ đóng cửa tăng 2,27 Đô la lên 68,58 Đô la/thùng. Cổ phiếu Exxon Mobil Corp giành 3,5% lên 71,76 Đô la.
Cổ phiếu của các công ty tài nguyên thiên nhiên khác cũng lên giá. Cổ phiếu của hãng sản xuất nhôm Alcoa Inc tiến 6,6% lên 9,83 Đô la, còn cổ phiếu hãng khai mỏ Freeport-McMoran giành 6,8% lên 58,12 Đô la.
Ngành sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng khá trong Tháng Năm nhờ số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới được cải thiện, kết quả hai cuộc điều tra đã chỉ ra, bổ sung thêm thêm dấu hiện tạm thời cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang dần ổn định.
GM LĂN BÁNH VÀO PHÁ SẢN
Như đã dự kiến, General Motors đã đệ đơn xin phá sản hôm Thứ Hai, đánh dấu sự sụp đổ mang tính lịch sử từ vị thế là một tập đoàn thành công của Mỹ. Việc nộp đơn phá sản đã xóa tan một số lo ngại trên thị trường về tương lai của nhà chế tạo xe hơi, vốn đã nhận hàng tỷ Đô la tiền hỗ trợ của chính phủ để có thể tồn tại.
"Vụ phá sản của Chrysler có vẻ như đã kết thúc suôn sẻ, và giới đầu tư đang hy vọng điều tương tự sẽ diễn ra với trường hợp của GM," Lancz nói.
Sau khi GM đệ đơn xin phá sản, hãng cung cấp chỉ số toàn cầu Dow Jones Indexes nói sẽ loại cổ phiếu GM khỏi chỉ số công nghiệp Dow Jones và thay thế bằng cổ phiếu Cisco Systems Inc. Cổ phiếu của công ty tài chính đang vật lộn với khó khăn là Citigroup Inc cũng sẽ bị xóa sổ khỏi chỉ số Dow và được thay thế bằng cổ phiếu Travelers Cos.
Cisco, nhà chế tạo thiết bị mạng, trở thành một trong các cổ phiếu thúc đẩy chỉ số Nasdaq nhiều nhất khi tăng 5,4% lên 19,50 Đô la, còn cổ phiếu Travelers giành 3,1% lên 41,91 Đô la trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York.
Cổ phiếu GM đóng cửa không thay đổi tại 75 xu, một ngày trước khi ngừng giao dịch tại NYSE, trong khi cổ phiếu Citigroup trượt 0,8% còn 3,69 Đô la.
Hôm Thứ Ba, cổ phiếu GM dự kiến sẽ bắt đầu giao dịch với một tên mới tại sàn Pink Sheets (một sàn giao dịch OTC).
Standard & Poor's nói cổ phiếu GM sẽ bị loại khỏi chỉ số S&P 500 sau khi đóng cửa phiên Thứ Ba, ngày 2 Tháng Sáu và sẽ được thay thế bằng cổ phiếu của công ty giáo dục DeVry Inc. Cổ phiếu DeVry Inc tiến 4,1% lên 46,20 sau tiếng chuông đóng cửa.
Giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York hôm Thứ Hai vừa phải với khoảng 1,5 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng, nhỉnh hơn mức ước tính bình quân một ngày năm ngoái là 1,49 tỷ cổ phiếu. Tại sàn Nasdaq có khoảng 2,61 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh, trên mức bình quân một ngày năm trước là 2,28 tỷ cổ phiếu.
Cổ phiếu tăng giá khắp thị trường khẳng định sức nặng của đợt lên điểm lần này. Tại sàn NYSE, số cổ phiếu tăng giá vượt số mã giảm giá với tỷ lệ hơn bốn so với một, còn tại sàn Nasdaq tỷ lệ này là ba so với một.