Image

25/09/2023

Mỹ sẽ giảm thâm hụt, song chi cho GM tăng

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nói chính quyền của Tổng thống Obama cam kết sẽ giảm các khoản thâm hụt khổng lồ trong thời gian sớm nhất, nhưng vẫn phải đổ thêm hàng chục tỷ đô la để hỗ trợ General Motors khi công ty đang chuẩn bị đệ đơn xin phá sản vào Thứ Hai.

Để chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ những năm 1930, chính quyền Washington đã rót hàng trăm tỷ đô la nhằm nỗ lực vực dậy nền kinh tế, và phải bán chứng khoán kho bạc để huy động tiền làm việc đó. Trung Quốc, nước mua trái phiếu kho bạc Mỹ nhiều nhất, đã thể hiện đôi chút lo ngại về giá trị lượng trái phiếu Mỹ đang nắm giữ khi các khoản thâm hụt của Mỹ tăng mạnh kéo lãi suất lên theo.

Nhằm thuyết phục Trung Quốc rằng các khoản đầu tư của họ vào Mỹ là an toàn, Geithner nói với các phóng viên trên đường tới cuộc họp hai ngày ở Bắc Kinh với các quan chức hàng đầu Trung Quốc: "Chúng tôi lo ngại về các khoản thâm hụt trong tương lai hơn ai hết." Washington đã bơm gần 20 tỷ Đô la Mỹ cho General Motors, nhưng theo dự kiến công ty vẫn sẽ đệ đơn xin phá sản trước khi thị trường mở cửa hôm Thứ Hai, vụ phá sản lớn nhất trong ngành công nghiệp Mỹ, một quan chức của chính quyền Obama nói cuối ngày Chủ Nhật. 

Những người đóng thuế của Mỹ sẽ nhận 60% cổ phần cho khoản hỗ trợ trị giá tổng cộng 50 tỷ Đô la trong công ty một thời hùng mạnh, vị quan chức nói nhưng đề nghị dấu tên, trước khi Tổng thống Barack Obama phát biểu về GM vào Thứ Hai. "Chính phủ thực sự không muốn sở hữu cổ phần của các công ty nếu không thấy thực sự cần thiết và sẽ tích cực tìm cách giải phóng lượng cổ phần này ngay khi có thể," vị quan chức nói. 

Canada sẽ cho GM vay 9,5 tỷ Đô la để nắm giữ khoảng 12% cổ phần. Để đổi lấy sự nhượng bộ, một quỹ tín thác y tế hưu trí của Công đoàn Công nhân Ô tô Đoàn kết sẽ sở hữu 17,5% cổ phần và những người nắm giữ trái phiếu không bảo đảm sẽ nắm 10% cổ phần. Giới công đoàn và trái chủ cũng sẽ được phép mua thêm cổ phần của GM.  

 

HY VỌNG VỀ KINH TẾ NÂNG CHỨNG KHOÁN

Geithner đưa ra một số nhận định lạc quan một cách thận trọng rằng tình hình kinh tế đang tốt lên, dù cuộc khủng hoảng do thị trường cho vay nhà đất của Mỹ sụp đổ Gây nên tiếp tục tạo áp lực lên một số công ty. "Ta đang thấy sự ổn định trong nền kinh tế trở nên vững chắc hơn và hệ thống tài chính đang tốt lên rất nhiều," Geithner nói. "Tuy nhiên, chúng ta có nhiều cách đi và cần phải tiếp tục chỉnh lý ở Mỹ và với các nền kinh tế lớn khác để khôi phục các điều kiện cho một đợt phục hồi bền vững," ông nói, nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vai trò lớn hơn của Trung Quốc trong việc đưa ra chính sách kinh tế toàn cầu. Số liệu kinh tế của châu Á làm nổi bật bản chất trái ngược và ảm đạm của đợt hồi phục. Xuất khẩu và nhập khẩu của Hàn Quốc trong Tháng Năm đều giảm nhiều hơn dự kiến, dập tắt hy vọng đang dâng cao về một đợt phục hồi sớm tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Doanh số bán lẻ của Australia trong Tháng Tư tăng thấp hơn dự đoán, trong khi ngành sản xuất công nghiệp Trung Quốc lại mất đà đôi chút trong Tháng Năm, dù tiếp tục tăng vào tháng thứ ba liên tiếp.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán tiếp tục sức tăng gần đây nhờ hy vọng thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc suy thoái đã qua, với chỉ số chứng khoán thế giới MSCI hôm Thứ Hai leo lên mức cao nhất kể từ Tháng 11 năm ngoái. Chỉ số Nikkei tại thị trường Nhật Bản tiến 0,8%, trong khi thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương tăng 1,2%. Đồng Đô la Mỹ cũng lên giá, sau khi giảm giá cùng với trái phiếu kho bạc gần đây do lo ngại Mỹ bị thâm hụt ngân sách nặng nề.

Image
icon
iconicon