Image

25/09/2023

BẢN TIN NGÀY 31/08/2020


THÁNG 8 TỒI TỆ NHẤT CỦA ĐỒNG ĐÔ LA MỸ TRONG VÒNG 5 NĂM. NHẬT BẢN CÓ THỂ SẼ TIẾP TỤC DUY TRÌ CHÍNH SÁCH ABENOMICS. 

 

Đồng Đô La Mỹ đã có 4 tháng giảm liên tiếp khi mà các nhà đầu tư tiếp tục nhận định lãi suất của Hoa Kỳ sẽ được duy trì ở mức thấp trong thời gian dài phía trước. Trong khi đó, đồng Yên bật tăng khi người kế nhiệm ông Abe nói rằng sẽ xem xét, đáng giá lại và mở đường cho chính sách kinh tế “Abe-nomics” (Kết hợp của tên tổng thống Abe và Economics - Kinh tế). Thị trường đang phản ứng ổn định hơn sau bài phát biểu của FED vào hôm thứ 5 vừa qua. Đồng Đô La Mỹ đang nhích nhẹ ở mức 92.34; tuy nhiên vẫn giảm hơn 1.2% so với tháng 7. Một số nhà đầu tư vẫn dự đoán đồng Đô la có xu hướng giảm giá. Chiến lược gia từ Societe Generale nói trong một ghi chú “có vẻ như chúng ta đang ở đoạn đầu của một giai đoạn giảm giá của đồng Đô la trong nhiều năm, từ mức rất cao. Những nghi ngờ của chúng tôi về việc liệu đồng Đô la có thể bị sụt giảm trên diện rộng trong bối cảnh lo ngại rủi ro, suy thoái toàn cầu và sự suy yếu của thị trường mới nổi hay không, đã được FED xác nhận với bài phát biểu gần đây của họ”. Nhìn chung, đồng bạc xanh đang được dự đoán sẽ tiếp tục suy yếu trong tương lại. Nhà phân tích tại Ngân Hàng Barclay’s cũng đã nói rằng “Tuần này có thể thấy đồng Đô la tiếp tục suy yếu khi thị trường tìm kiếm những gợi ý về khuôn khổ chính sách mới đi kèm với yếu tố dòng tiền vào cuối tháng cũng có thể mang lại sự suy yếu vào đầu tuần”.

Đồng Yên đã tăng sau khi các báo cáo hôm Chủ nhật rằng Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Nội các của Abe, có ý định tranh cử Thủ tướng, sau khi Thủ tướng đương nhiệm, Shinzo Abe, tuyên bố vào thứ Sáu rằng ông sẽ từ chức vì lý do sức khỏe. Nếu đắc cử, Suga được cho là sẽ mở rộng các chương trình kích thích tài chính và tiền tệ đã được triển khai dưới thời Abe. Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản cũng bình luận vào cuối tuần rằng Ngân Hàng Trung Ương nước này sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong bối cảnh nước này vẫn gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19. Nhìn về lịch sử tháng 1/2013, NHTW Nhật Bản đã đưa ra mục tiêu đạt tỷ lệ lạm phát 2% sau khi Thủ tướng Abe khẳng định nỗ lực đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi vòng xoáy giảm phát. Vào tháng 4/2013, ngay sau khi nhậm chức, Thống đốc NHTW Nhật Bản Haruhiko Kuroda, người được Thủ tướng Abe bổ nhiệm, đã bắt đầu chương trình bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế như một phần quan trọng trong chính sách mới mang tên Abenomics của Thủ tướng Abe. Chính sách tiền tệ siêu lỏng này đã giúp giảm giá đồng yen và thúc đẩy sự gia tăng trên thị trường chứng khoán.

Đồng Bảng Anh đã hồi phục từ cú sụt giảm so với đồng USD khi cơn khủng hoảng Covid-19 càn quét qua khắp các thị trường trong tháng 3, tiến lên gần mức cao nhất trong năm khoảng 1.31. Vương quốc Anh chỉ còn cách 4 tháng cho tới thời điểm rời đi trong hỗn loạn khỏi thỏa thuận thương mại với Liên Minh Châu Âu và tiến triển trong đàm phán về một phương án dự phòng vẫn đang chậm chạp. Trưởng đoàn đàm phán EU, Michel Barnier, vào tuần trước đã cáo buộc nước Anh đang lãng phí thời gian trong vòng đàm phán mới nhất. Người đồng cấp phía Anh, David Frost, cho biết một thỏa thuận vẫn là khả thi, bất chấp tiến triển chậm chạp giữa 2 bên tới lúc này. Những nhà phân tích tại JPMorgan cho biết thất bại trong việc thống nhất về một thỏa thuận thương mại có thể làm giảm tới 5,5% tăng trưởng kinh tế của Anh trong bối cảnh quốc gia này đã phải chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần lưu ý rằng Ngân Hàng Trung Ương Anh vẫn có thể cắt lãi suất xuống mức dưới 0 – như trong các bài thảo luận trước đây của Ngân Hàng Trung Ương này – đang là một rủi ro với đồng tiền này.

Ngoài ra, các nhà giao dịch cần chú ý tới  tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực Liên Minh Châu Âu vào thứ Ba tuần này, bao gồm dữ liệu tháng Bảy, trong khi dữ liệu chi tiêu của người tiêu dùng khu vực đồng Euro sẽ được công bố vào thứ Năm.Tỷ lệ thất nghiệp của châu Âu tương đối ổn định so với tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ, vốn tăng mạnh kể từ khi đại dịch xảy ra vào mùa xuân, chủ yếu là do hàng triệu người châu Âu được áp dụng các chương trình “tạm nghỉ” có trợ cấp từ chính phủ. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 vẫn là một yếu tố đáng lo ngại trong quá trình hồi phục kinh tế ở Khối này.



(Các tư vấn trên chỉ mang giá trị tham khảo và có tính thời điểm)

Nhóm Tư vấn Tiền tệ Eximbank luôn mong nhận được sự đóng góp ý kiến của Quý khách nhằm mục đích làm cho Bản tin Tư vấn Tài chính - Tiền tệ ngày một tốt hơn.

Image
icon
iconicon