Image

25/09/2023

BẢN TIN NGÀY 26/02/2021


LỢI SUẤT TPCP KỲ NĂM 10 NĂM MỸ TĂNG VỌT: TÀI SẢN RỦI RO CŨNG NHƯ ĐỒNG TIỀN HÀNG HÓA BỊ “BÁN THÁO”.

Các loại tài sản rủi ro (bao gồm chứng khoán Mỹ và các đồng tiền hàng hóa) đi kèm với đó là Kim Loại quý Vàng đã bị bán tháo một cách “tiêu cực” kể từ phiên giao dịch Châu Mỹ hôm qua và đà bán tiếp tục gia tăng khi mở phiên giao dịch Châu Âu chiều nay theo GMT+7. Để giải thích ngắn gọn thì Lợi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ kỳ năm 10 năm tăng vọt thể hiện (1) Kinh tế Hoa Kỳ sẽ hồi phục nhanh chóng; vì thế dòng tiền sẽ phân bổ lại vào TPCP 10y thay vì các tài sản rủi ro khác (2) Chu kỳ tiền rẻ cũng đã có thể kết thúc, và với các chỉ số cũng đang ở mức cao thì chu kỳ điều chỉnh tại mức này là cần thiết.

Hơn nữa, các nhà đầu tư chứng khoán đang cố gắng lý giải ý nghĩa của việc lợi suất trái phiếu tăng đối với thị trường chứng khoán. Bắt đầu từ ngày 10/2, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm - chưa điều chỉnh lạm phát - đã tăng 48 bps từ 1.13% lên 1,61% -  mức cao nhất trong một năm. Lo ngại lạm phát đang khiến các nhà đầu tư suy đoán Fed có thể phải thay đổi chính sách sớm hơn dự kiến bằng cách giảm QE hoặc thậm chí tăng lãi suất vào một thời điểm nào đó. Và điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu. Peter Tchir từ Academy Securities cho biết sự gia tăng gần đây của lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm đã thể hiện nỗi lo về lạm phát, tuy nhiên, điều này là không thực tế: “Mức tăng của lợi suất TPCP 10 năm không phản ánh sự gia tăng thực tế của lạm phát, mà nó phản ánh rằng dự đoán của các nhà đầu tư về khả năng lạm phát tăng” ông cho biết. Theo ông Tchir, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã và đang phản bác ý kiến cho rằng lạm phát tăng cao sắp xảy ra, thực tế vẫn chưa có các dấu hiệu lạm phát tăng cao và nếu chúng ta có thể quan sát được vào lúc nào đó, nó cũng sẽ chỉ mang tính nhất thời.

Điều mấu chốt là liệu Powell có thể bám trụ với các chính sách hiện nay hay không: “Nếu Fed vẫn cam kết giữ lợi suất ngắn hạn ở mức thấp, điều đó sẽ trấn an các nhà đầu tư và chúng tôi sẽ không bị “taper tantrum” (chứng khoán bị bán tháo khi lợi suất đột ngột tăng vọt). Powell đã phát biểu rằng ông “thoải mái” với tình hình hiện nay và sẽ không có động thái gì khi có sự thay đổi trong ngắn hạn. Vì vậy chúng tôi tin rằng Powell sẽ rất kiên định với những gì mình đang làm.

Dollar sẽ tiếp tục suy yếu bất chấp lợi suất tăng. Theo Goldman Sachs, đồng Dollar vẫn được kỳ vọng sẽ suy yếu so với G-10 và EM (các đồng tiền thị trường mới nổi) bất chấp môi trường lợi suất nói chung đang tăng. Miễn là lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn ngắn vẫn ở mức thấp, đồng Bạc Xanh có khả năng vẫn phải chịu áp lực, ngân hàng đầu tư này cho biết trong nghiên cứu mới nhất. USD cũng kỳ vọng ​​sẽ giảm giá so với các đồng tiền EM do việc định giá hạn chế đà bán tháo trái phiếu, và do tốc độ tăng trưởng toàn cầu nhanh chóng trong 6 tháng tới khi quá trình tiêm vắc-xin và mở cửa trở lại diễn ra. Về trái phiếu, Goldman nói rằng sự gia tăng lớn hơn dự kiến ​​của lợi suất thực toàn cầu - tương tự như "taper tantrum" từng thấy vào năm 2013 - là một rủi ro đối với quan điểm chủ đạo của họ. Tuy nhiên, lợi suất của trái phiếu được điều chỉnh theo lạm phát (TIPS) kỳ hạn 10 năm khó có thể tăng hơn 20 điểm phần trăm so với mức hiện tại dựa trên mốc thời gian hợp lý cho việc thắt chặt chính sách của Fed và lãi suất chung toàn cầu vẫn ở mức thấp.

Mức giảm gần đây nhất của vàng được quan sát khi lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm tăng nhanh lên trên 1.6% vào thứ Năm vừa qua. Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard, cùng với Raphael Bostic của Atlanta và Esther George của Fed Kansas, cho biết vẫn còn quá sớm để bắt đầu thảo luận về việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu khổng lồ của ngân hàng. Tính đến nay, Vàng đã giảm hơn 6% khi các nhà đầu tư đặt nhiều quan tâm vào sự phục hồi sau đại dịch, lợi suất tăng cao và dòng tiền lớn rút khỏi các quỹ ETF vàng. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, con đường đến mục tiêu toàn dụng lao động và lạm phát của Hoa Kỳ vẫn còn khá xa. Điều này báo hiệu rằng Fed sẽ duy trì chính sách nới lỏng trong thời gian tới, bất chấp triển vọng về một nền kinh tế “hồi sinh” nhờ quá trình tiêm chủng tích cực.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda Corp, cho biết: “Kim loại quý đang khởi đầu năm mới khó khăn và điều duy nhất có thể “cứu” được vàng lúc này là việc NHTW kiểm soát đà tăng của lợi suất nhằm ngăn chặn nó tăng vọt, tuy nhiên, có vẻ như họ vẫn chưa có kế hoạch làm vậy. "Giá Vàng giao ngay ở mức $1.767/oz, giảm 4,1% trong tháng này. Giá Bạc đã tăng cao hơn, trong khi giá Bạch kim và Palladium đi ngang. Chỉ số DXY hướng tới mức tăng liên tiếp. Moya cho biết: “Tốc độ gia tăng trong lợi suất trái phiếu khó có thể duy trì lâu, vì vậy vàng sẽ sớm bắt đầu ổn định trở lại. Vàng sẽ tiếp tục giảm thêm 5% nếu đà bán tháo trái phiếu tiếp tục và kim loại quý này phá vỡ ngưỡng hỗ trợ quan trọng ở mức $1,750/oz".

Image
icon
iconicon