25/09/2023
BẢN TIN NGÀY 08/09/2020
THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ TIẾP TỤC GIAO DỊCH TRONG BIÊN ĐỘ TRƯỚC CUỘC HỌP CỦA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG CHÂU ÂU VÀO THỨ 5; BREXIT ĐÈ NẶNG LÊN ĐỒNG BẢNG ANH
Các cặp tiền tệ tiếp tục giao dịch trong biên độ khi các nhà đầu tư cân nhắc liệu một sự thay đổi từ Ngân hàng Trung ương châu Âu vào cuối tuần này có thể tác động đến thị trường tiền tệ? Trong khi đồng bảng Anh tiếp tục giảm do sự không chắc chắn từ Brexit. Sau kỳ nghỉ của thị trường Hoa Kỳ vào ngày hôm qua, chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với các loại tiền tệ khác – DXY đang được giao dịch cao hơn ở mốc 93.15 vào lúc 14h00 08/09/2020.
Mọi sự chú ý của các nhà phân tích đổ dồn vào cuộc họp của Ngân Hàng Trung Ương (ECB) vào cuối tuần này. Việc đồng euro tăng giá đều đặn so với các đồng tiền chính khác bắt đầu khiến ECB lo lắng. Chuyên gia kinh tế trưởng Philip Lane của ECB đã phải đưa ra một can thiệp bằng lời nói hiếm hoi vào đầu tuần vừa qua: "Tỷ giá EUR/USD đang có vấn đề. Nếu tỷ giá này bị tác động, các dự báo của châu Âu và thế giới cũng thay đổi theo. Điều đó sẽ tác động đến việc thiết lập chính sách tiền tệ của chúng tôi". Nỗ lực nhằm hạ giá đồng euro của ông Lane cho thấy ECB không hề hài lòng với tỷ giá 1.2 USD đổi 1 euro. Không khó để giải thích thái độ này của ECB. Đồng euro càng mạnh, hiệu ứng thiểu phát càng lớn do hàng hóa nước ngoài có giá thấp hơn. Giảm phát nhập khẩu, thường từ Trung Quốc, là một yếu tố từ lâu đã kiềm chế lạm phát ở nhiều nền kinh tế phát triển. Vì vậy, cơ quan này còn rất ít lựa chọn để đáp ứng mục tiêu lạm phát. Khối đồng tiền chung Euro đã đẩy lãi suất thực xuống mức âm và mạnh tay đưa ra các chính sách nới lỏng định lượng lớn. Kỳ vọng lạm phát khác nhau giữa Mỹ và châu Âu đã giải thích cho việc đồng euro tăng đến 6% so với đồng USD trong năm nay. Chỉ số hoán đổi lạm phát kỳ hạn 5 năm của đồng euro ở mức 1.22%, thấp hơn gần một điểm phần trăm so với đồng USD (2.14%). Điều đó khiến ECB phải đấu tranh để giữ đồng euro không tăng giá. Tuy nhiên, lịch sử chỉ ra rằng các ngân hàng trung ương thường khá bất lực trong việc thay đổi giá trị thị trường của đồng tiền nước mình. Theo Bloomberg, một khi Fed vẫn còn nhiều chính sách tiền tệ có thể áp dụng hơn các nước phát triển khác, đồng USD sẽ tiếp tục giảm giá. Nếu điều đó không thay đổi, ECB phải chấp nhận đồng tiền tăng giá hoặc có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng kinh tế xuyên biên giới vào thời điểm triển vọng toàn cầu rất mong manh.
Ngoài ra, đồng Yên Nhật tiếp tục thu hút sự chú ý của giới đầu tư sau khi người kế nhiệm tiềm năng của ABE – ông SUGA tuyên bố rằng ông muốn “kế thừa khuôn khổ chính sách hiện tại” và “đánh giá cao” cách tiếp cận hiện tại của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đối với chính sách tiền tệ. Điều này có thể làm dịu mối lo ngại của các nhà đầu tư trong khu vực và đè nặng lên đồng Yên Nhật, sau khi Phó Thống đốc BoJ Wakatabe Masazumi nhấn mạnh rằng do “những bất ổn về tác động của Covid-19 đối với hoạt động kinh tế và giá cả, Ngân hàng này sẽ theo dõi chặt chẽ và sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp nới lỏng bổ sung nếu cần thiết”. Do đó, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản chỉ tăng lên 0.3% trong tháng 7 và BoJ ngày càng trở nên “cảnh giác hơn trước nguy cơ giảm tỷ lệ lạm phát”, các thiết lập chính sách tiền tệ phù hợp có vẻ sẽ tiếp tục được triển khai. Với đó, số liệu GDP quý 2 và chi tiêu hộ gia đình cho tháng 7 được công bố sáng ngày hôm nay; có thể buộc các nhà hoạch định chính sách phải nhúng tay vào, và các dữ liệu kinh tế đáng thất vọng cũng có thể khiến BoJ cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế non trẻ và từ đó làm suy yếu đà tăng của đồng Yên Nhật.
(Các tư vấn trên chỉ mang giá trị tham khảo và có tính thời điểm)
Nhóm Tư vấn Tiền tệ Eximbank luôn mong nhận được sự đóng góp ý kiến của Quý khách nhằm mục đích làm cho Bản tin Tư vấn Tài chính - Tiền tệ ngày một tốt hơn.