Image

25/09/2023

BẢN TIN NGÀY 04/09/2020


THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ GIAO DỊCH TRONG BIÊN ĐỘ THẤP CHỜ ĐỢI CÁC TIN TỨC VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ BẢNG LƯƠNG PHI NÔNG NGHIỆP VÀO TỐI NAY.

 

Thị trường tiền tệ có phiên giao dịch ảm đạm vào sáng ngày thứ 6 trước các báo cáo dữ liệu thị trường lao động của Hoa Kỳ và bảng lương phi nông nghiệp. Đáng lưu ý rằng, vào phiên giao dịch thị trường chứng khoán hôm qua đã chứng kiến sự chốt lời mạnh mẽ; không chỉ xảy ra riêng ở nhóm nghành công nghệ mà còn trải dài từ nhóm nghành hàng không và tiêu dùng. Điều này ám chỉ rằng các dòng tiền lớn đang ngày càng cẩn trọng hơn với thị trường; đồng thời chờ đợi các chỉ báo kinh tế quan trọng để có thêm góc nhìn toàn cảnh và sự chắc chắn về sự hồi phục kinh tế ở Hoa Kỳ. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ Hoa Kỳ ngày càng mất đi động lượng của mình (một phần do gói bảo hiểm thất nghiệp ở Hoa Kỳ vẫn chưa được thông qua kể từ khi hết hạn vào 31/07/2020) đi kèm với đó là biên chế phi nông nghiệp có thể giảm so với kỳ vọng làm cho tâm lý thị trường u ám hơn. Thời gian gần đây, với các động thái hỗ trợ từ ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, thị trường chứng khoán đã có những mốc tăng mạnh mẽ bất kể dữ liệu kinh tế không đạt kỳ vọng. Điều này có thể thay đổi nhanh chóng vào tối nay; khi các con số về thị trường lao động yếu kém và nền kinh tế ảm đạm có lẽ sẽ kích hoạt đà bán tháo (đi kèm với lệnh chốt lời) trên thị trường này. Sự điều chỉnh của các thị trường chứng khoán sẽ dẫn tới trạng thái tâm lý lo ngại rủi ro với các dạng thị trường khác; đặc biệt là thị trường kim loại quý và thị trường tiền tệ.

Tâm lý lo ngại rủi ro được thể hiện vào ngày hôm qua khi các cặp chéo USD với Franc Thụy Sĩ/ Yên Nhật đều bị bán tháo mạnh mẽ; tuy nghiên đồng Đô La lại tăng giá so với các đồng tiền hàng hóa. Theo thông lệ, các tin tức Bảng lương phi nông nghiệp (Non-farm) sẽ làm cho thị trường tiền tệ biến động một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên trong thời gian đại dịch, các nhà đầu tư có xu hướng là mua vào các loại tài sản rủi ro hơn cho danh mục của mình: với kỳ vọng rằng các số liệu xấu sẽ là tiền đề cho sự hồi phục của nền kinh tế sau khi khủng hoảng sẽ được giải quyết. Kỳ vọng thị trường sẽ thay đổi một cách nhanh chóng khi các nhà đầu tư nhận ra rằng đại dịch còn rất lâu nữa mới kết thúc đi kèm với sự lo lắng về nền kinh tế nói chung. Ngoài ra với các thông tin tốt về vắc xin được công bố liên tục trong thời gian qua, chúng tôi cho rằng việc sản xuất đại trà của vắc xin với chi phí hợp lý và độ hiệu quả/ an toàn của các loại vắc xin do không được thử nghiệm trên lượng lớn dân số; mới là hai ẩn số lớn nhất hiện nay. Đi kèm với đó, việc tuyên truyền/ sử dụng vắc xin cho “hầu hết” người dân toàn cầu cũng sẽ là một vấn đề đòi hỏi thời gian/ nguồn lực rất lớn.

Từ tháng 7 đến tháng 8, biên chế tư nhân tăng gấp đôi ở Hoa Kỳ, có ít việc làm hơn trong các lĩnh vực dịch vụ và sản xuất, các trường hợp thất nghiệp cũng như yêu cầu trợ cấp thất nghiệp tiếp tục giảm và việc sa thải cũng cho thấy xu hướng giảm bớt. Sự tin tưởng từ người dân không hề cao nhưng điều đó không có gì ngạc nhiên khi số ca nhiễm vi-rút mới gia tăng trong tháng 7 và tháng 8. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đang thận trọng về một dự báo không mấy tích cực đối với tăng trưởng việc làm sẽ giảm từ 1,76 triệu xuống còn 1,35 triệu. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ cải thiện nhưng tăng trưởng thu nhập trung bình theo giờ có thể trì trệ. Chúng tôi kỳ vọng đồng đô la sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn đối với xu hướng yếu của giai đoạn gần đây. Tâm lý thị trường đang bắt đầu thay đổi, triển vọng nền kinh tế không chắc chắn và nếu thiếu dữ liệu, các nhà đầu tư sẽ có đủ lập luận để có thể lo lắng về một viễn cảnh tồi tệ hơn vào mùa thu. Mặt khác, dữ liệu tốt hơn có thể cũng không giúp ích gì nhiều cho đồng đô la hoặc cổ phiếu nếu như thị trường vẫn tồn tại tâm lý hoài nghi và thận trọng.

Cặp tiền GBP/USD đã giảm 0.5% vào thứ Năm cùng các tài sản rủi ro khác, khiến cặp tiền này giảm 0.6% trong tuần. Biểu đồ khung Daily vẫn cho thấy một bức tranh tích cực, với đường trung bình động MA10 và MA20 hướng lên trên, khung thời gian tuần và tháng cũng đang trong xu hướng tăng, tiến về đỉnh của năm 2019 tại 1.3516. Việc giá đóng cửa dưới đường trung bình động EMA21 tại 1.3178 sẽ là một tín hiệu giảm giá cho tuần tới, mở ra nguy cơ đưa cặp tiền quay trở lại vùng hỗ trợ 1.3000 của tháng 8.

 (Các tư vấn trên chỉ mang giá trị tham khảo và có tính thời điểm)

Nhóm Tư vấn Tiền tệ Eximbank luôn mong nhận được sự đóng góp ý kiến của Quý khách nhằm mục đích làm cho Bản tin Tư vấn Tài chính - Tiền tệ ngày một tốt hơn.

Image
icon
iconicon