Image

25/09/2023

BẢN TIN NGÀY 03/11/2021

 



ĐỒNG ĐÔ LA VÀ EURO ĐỀU GIẢM TRONG PHIÊN GIAO DỊCH NGÀY THỨ BA VỚI SỨC ÉP THANH KHOẢN.

Đồng Đô la đã giảm vào sáng thứ Tư tại châu Á, nhưng các biến động là rất nhỏ. Các nhà đầu tư đổ xô đến các tài sản trú ẩn an toàn khi các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine ngày càng gia tăng. Chỉ số DXY - theo dõi đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ khác đã nhích lên nhẹ 0,20% lên mức 97,57 vào lúc 14h00 GMT+7. Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết trong một lưu ý rằng họ đang đóng các khuyến nghị mua đối với đồng Euro so với Đô la Mỹ, Yên, Bảng Anh và đồng Real của Brazil. “Các nhà đầu tư có tài sản ở Nga sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc thoái vốn do các biện pháp kiểm soát vốn ngày càng tăng. Các loại tiền tệ có mối tương quan cao với RUB cũng như vậy, chẳng hạn như tiền tệ trong khu vực CEE và có khả năng là EUR," lưu ý cho biết. "Chúng tôi có khả năng sẽ xem xét để tham gia lại các vị trí này và khẳng định lại luận điểm tăng giá của đồng EUR trong tương lai nếu các điều kiện đảm bảo, nhưng hiện tại, chúng tôi nghĩ tốt nhất nên hạn chế rủi ro và bảo toàn vốn cho đến khi các thông tin rõ ràng hơn xuất hiện".

Các nhà đầu tư đang xem xét những diễn biến mới nhất của Ukraine. Nga cảnh báo người dân Kyiv phải rời bỏ nhà cửa, và các chỉ huy Nga đã tăng cường bắn phá các thành phố của Ukraine. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Phương Tây đã áp dụng các lệnh trừng phạt và loại một số ngân hàng của Nga khỏi mạng SWIFT toàn cầu. Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ cấm máy bay Nga bay vào không phận Hoa Kỳ, sau các động thái tương tự của Châu Âu và Canada.

Theo nhà phân tích Kathy Liên từ 60SecondInvestor cho biết rằng việc giá dầu WTI tăng trên 100 USD/thùng khiến cổ phiếu và tiền tệ giảm mạnh. Đồng Euro và đồng Bảng Anh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tâm lý ngại rủi ro khi các nhà đầu tư đổ xô vào sự an toàn của đô la Mỹ. Các nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu và Vương quốc Anh phản ứng mạnh mẽ với sự suy giảm tăng trưởng của Nga và các lệnh trừng phạt áp dụng đối với Nga. Gần 40% lượng khí đốt và hơn 25% lượng dầu nhập khẩu vào Liên minh châu Âu là từ Nga. Việc mất nguồn cung này, kết hợp với chi phí tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến châu Âu. Ngược lại, đô la Úc và New Zealand ít chịu tác động hơn vì Úc và New Zealand không nhập khẩu bất kỳ dầu hoặc sản phẩm dầu nào từ Nga.

Giờ đây, trong khi thế giới đang mong đợi bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden về Liên minh và bài phát biểu nửa năm một lần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell về nền kinh tế, thì Nga đang chuẩn bị tăng cường tấn công Ukraine. Nga cảnh báo người dân Kyiv phải rời đi, làm dấy lên lo ngại rằng chúng ta có thể thấy thủ đô của Ukraine trong một trạng thái rất khác vào thời gian tới. Cuộc tấn công có thể gây hoang mang ngay khi Biden phát biểu trước cả nước lúc 9 giờ tối. Thay vì kỷ niệm việc nới lỏng các hạn chế COVID-19 và việc đề cử người phụ nữ da màu đầu tiên vào Tòa án tối cao, trọng tâm sẽ là Ukraine, chi tiêu quân sự và lạm phát. Chúng tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ thông báo đột phá nào về sự can dự của Mỹ. Biden đã loại trừ việc đưa quân đội Mỹ vào thực địa, thay vào đó tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ an ninh, viện trợ nhân đạo, trừng phạt và đóng băng Nga ra khỏi hệ thống tài chính. Tuy nhiên, tổng thống có thể công bố các biện pháp mới để giảm bớt áp lực giá cả. Mặc dù Mỹ và các đồng minh đã đồng ý giải phóng 60 tỷ thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược, nhưng việc này vẫn không có tác động nào đến giá dầu.

Cục Dự trữ Liên bang đang đối mặt với những thách thức tương tự. Cuộc xâm lược của Nga có thể sẽ thúc đẩy lạm phát, vốn đang tăng với tốc độ mạnh nhất trong 40 năm. Giá dầu không phải là thứ duy nhất tăng, giá lúa mì đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008. Chỉ tính riêng giá cả, Fed nên tăng lãi suất thêm nửa điểm trong tháng này. Tuy nhiên, kỳ vọng tăng lãi suất đã giảm xuống, với việc thị trường chỉ kỳ vọng mức tăng 0.25 điểm vào tháng 3; tiếp theo là 75 điểm cơ bản thay vì 125 điểm cơ bản trong việc thắt chặt thêm. Trong lịch sử, cú sốc chiến tranh trên thị trường tài chính chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng khó có thể dự đoán được Putin sẽ đi bao xa. Powell có thể sẽ phải trấn an các nhà đầu tư vào ngày mai rằng ngân hàng trung ương đang làm việc để chống lại lạm phát cao, đồng thời cân bằng những rủi ro mà cuộc xâm lược của Nga gây ra cho thị trường tài chính. Còn rất nhiều điều mơ hồ ở phía trước và Powell cần thận trọng hơn với những thay đổi nhỏ trong thời gian này. Mặc dù đây có thể là một cuộc chiến kéo dài, nhưng lạm phát gia tăng là một vấn đề nan giải mà các ngân hàng trung ương cần phải giải quyết. Chúng tôi tin rằng Powell sẽ đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc thắt chặt vào ngày mai, điều này có thể giúp tăng lợi suất trái phiếu kho bạc và đồng đô la Mỹ.

Ngân hàng Dự trữ Úc đã giữ nguyên lãi suất vào đêm qua, điều này không có gì ngạc nhiên. Thống đốc Philip Lowe bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến Ukraine có thể làm tăng thêm áp lực lạm phát, nhưng với việc tăng trưởng tiền lương không theo kịp với đà tăng giá, ông không vội tăng lãi suất. Ngân hàng Canada sẽ họp vào ngày mai. Đồng đô la Canada đã bị bán tháo hôm nay bất chấp kế hoạch của ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm nay thêm 25 điểm cơ bản. Trước khi Nga xâm lược, nhiều người kỳ vọng rằng với thị trường lao động mạnh mẽ và lạm phát cao, họ sẽ tăng 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vào tháng Hai và những sự kiện tại Ukraine khiến việc tăng 1/4 điểm là một động thái hợp lý hơn. Các nhà đầu tư đã bán đô la Canada mặc dù tăng trưởng GDP mạnh hơn trong quý 4 và giá dầu tăng 10%.

(Các tư vấn trên chỉ mang giá trị tham khảo và có tính thời điểm)

Nhóm Tư vấn Tiền tệ Eximbank luôn mong nhận được sự đóng góp ý kiến của Quý khách nhằm mục đích làm cho Bản tin Tư vấn Tài chính - Tiền tệ ngày một tốt hơn. Vui lòng liên hệ Lê Hoàng Nam – 0938001993 – P. KDNT – K. KDTT.

Image
icon
iconicon